Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và việc xét xử sai

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hình phạt như thế nào? Nếu có việc xét xử sai trong quá trình tố tụng thì cần phải căn cứ vào đâu để giải quyết?

Nội dung câu hỏi:

Chào luật sư, gia đình tôi có người bị buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền là 4 tỉ 50 triệu đồng. Trong đó có 300 triệu là tiền vay để làm ăn riêng, số tiền còn lại là hợp tác làm ăn nhưng bị người kiện chơi xấu dụ viết giấy số tiền là 8 tỉ và dựng chuyện nên bị quy vào tội lừa đảo. Người bị kiện không có ý định lừa đảo, cũng không có ý định trốn đi, bị bắt khi đang cùng người kiện bàn công việc làm ăn chung (quy vào tội quả tang) và trong thời gian điều tra đã bị ép cung, khai sai lệch (đây là sự thật, tôi không hề đặt chuyện). Đến nay đang được điều tra lại và chưa xử. Cơ quan công an có gọi tôi lên và yêu cầu bồi thường 2 tỷ sẽ viết đơn bãi nại, không thì mức án phải chịu sẽ là chung thân. Người khởi kiện là công chức nhà nước, chức cao và quen biết rộng. Vậy trong trường hợp này, nếu ra toà thì khung hình phạt nặng nhất là bao nhiêu năm? Và việc thuê luật sư bào chữa có thể làm giảm mức phạt không? Tôi xin chân thành cảm ơn lời giải đáp của các luật sư!

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Bộ phận tư vấn pháp luật của công ty Luật Nguyễn Hà. Với thắc mắc của bạn, công ty chúng tôi xin đưa ra nội dung tư vấn như sau:

* Về khung hình phạt nặng nhất, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009):

“Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.“

Do số tiền mà người nhà bạn bị buộc tội là 4 tỷ 50 triệu đồng nên hình phạt nặng nhất mà người đó có thể phải chịu sẽ là chung thân. Tuy nhiên, đây chỉ là hình phạt nặng nhất. Trên thực tế, Tòa án khi xét xử cần phải căn cứ vào các tình tiết khách quan đã xảy ra trên thực tế, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ để quyết định hình phạt chứ không phải trường hợp nào người phạm tội cũng sẽ bị áp dụng hình phạt nặng nhất.

* Về việc thuê luật sư bào chữa có thể làm giảm mức phạt hay không:

Theo quy định tại Điều 56, 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 hiện hành thì:

“Điều 56. Người bào chữa

Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;

b) Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;

c) Bào chữa viên nhân dân.”

“Điều 57. Lựa chọn và thay đổi người bào chữa

Người bào chữa do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ lựa chọn.“
Bạn có thể tham khảo thêm về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Trong đó, có một số điểm lưu ý như sau:

“2. Người bào chữa có quyền:

a) Có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu Điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can và có mặt trong những hoạt động điều tra khác; xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình và các quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;

….

h) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên toà;

i) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;…”

Căn cứ vào những tình tiết mà bạn đã trình bày về thời gian điều tra trước đây, người nhà bạn đã bị ép cung, khai sai lệch; do đó việc có người bào chữa là vô cùng cần thiết để đảm bảo những sự việc này không thể xảy ra nữa vì họ có thể tham gia vào quá trình hỏi cung bị can và tiến hành các công việc khác để thu thập chứng cứ cho người nhà của bạn,…

Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, người bào chữa này có thể là Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân. Trong đó, Luật sư thường là người có kiến thức pháp lý và kinh nghiệm tố tụng hình sự tốt hơn. Do đó, họ có thể giúp cho bị can, bị cáo bào chữa tốt hơn.

Cũng theo những phân tích như trên thì, Luật sư nói riêng và người bào chữa chỉ có thể tham gia vào quá trình tố tụng và giúp bào chữa hết mức có thể và đảm bảo việc xét xử được minh bạch, rõ ràng thôi. Hình phạt cụ thể phải do Tòa án quyết định sau quá trình xét xử, cân nhắc các ý kiến như nêu trên chứ Luật sư không thể tham gia vào việc quyết định hình phạt nên việc có giảm được mức phạt hay không phải phụ thuộc vào quá trình tố tụng thực tế.

* Ngoài ra, tuy bạn không hỏi nhưng do trong thông tin bạn cung cấp thì người kiện đã lừa người nhà bạn viết giấy số tiền là 8 tỉ và dựng chuyện. Trường hợp này bạn cần thu thập tất cả những chứng cứ có thể để chứng minh những sự kiện thực tế như: Hợp đồng hai người trên thực tế ký kết là bao nhiêu, Người nhà bạn có hành vi lừa dối trên thực tế để nhằm chiếm đoạt tài sản hay không bởi nếu không có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì người nhà bạn không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản,…

– Ngoài ra, bạn có đề cập tới là vụ án đang được điều tra lại, vậy phiên tòa sẽ diễn ra là phúc thẩm hay tái thẩm, bạn cần cung cấp thông tin chi tiết hơn nữa.

– Còn về việc cơ quan công an có gọi bạn lên và yêu cầu bồi thường 2 tỷ sẽ viết đơn bãi nại tội lừa đảo của người nhà bạn.

Bãi nại được hiểu là việc từ bỏ yêu cầu tố cáo hay yêu cầu khởi tố vụ án của người bị hại. Khi bãi nại được đưa ra đồng nghĩa với việc các khiếu nại, yêu cầu khởi tố hình sự trước đó cũng được giải quyết trên tinh thần thỏa thuận, chia sẻ và khắc phục hậu quả do chính bị can, bị cáo gây ra.

Tuy nhiên, việc này trên thực tế là không có căn cứ của pháp luật.

Thứ nhất, quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại khoản 1 Điều 105 như sau:

“Điều 105. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại

Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.”
Chỉ một số tội danh nhất định mới được quyền khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Còn các trường hợp còn lại, dù không có yêu cầu từ người bị hại, cơ quan có thẩm quyền vẫn phải tiến hành khởi tố khi có dấu hiệu của tội phạm. Và trường hợp này của người nhà bạn là Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 không thuộc các tội danh được khởi tố theo yêu cầu nên không thể có chuyện bãi nại. Đơn xin từ người bị hại và việc bồi thường chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt với người nhà bạn.

Thứ hai, việc bãi nại như công an nói theo quy định tại khoản 2 Điều 105 phải được thực hiện trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm:

“2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.“

Trường hợp này đã qua thời hạn nêu trên nên những điều cơ quan công an nói tới là không có căn cứ.

– Nếu bạn có những căn cứ cụ thể như bản ghi âm những lời nói trên của cơ quan công an hoặc bằng chứng khác thì bạn hoàn toàn có thể yêu cầu thay đối người tiến hành tố tụng theo căn cứ tại khoản 3 Điều 42 như sau:

“Điều 42. Những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng

Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *